“Tổ quốc ta như một con tàu.
Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau”.
Câu thơ rất hay của nhà thơ Xuân Diệu mà nhiều người từng đọc đã gợi tả sinh động vùng đất cực Nam của Tổ quốc.
Lướt canô “rẽ sóng” vào Đất Mũi
Trong mỗi chúng ta, chắc hẳn ai cũng mong được một lần được đặt chân đến địa đầu Tổ quốc và được đến tận Đất Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển) để nhìn thấy biển trời bao la, vùng đất tận cùng của Tổ quốc.
Nếu trước đây, từ Cà Mau muốn về Đất Mũi phải đi hơn 2 tiếng bằng canô cao tốc thì nay khoảng cách đã được rút ngắn lại chỉ còn khoảng 1 tiếng nhờ có đường bộ mới mở từ Cà Mau đến huyện Năm Căn dài hơn 52 km.
Đặc trưng của Cà Mau là nhà dân sống bao quanh ven hệ thống sông ngòi và huyện Ngọc Hiển chính là mảnh đất điển hình của vùng đất Mũi Cà Mau này.
Quả đúng là như vậy. Hơn 1 tiếng ngồi trên cano chạy với tốc độ tới 50km/giờ, chúng ta đã được tận mắt ngắm cảnh dòng sông Cửa Lớn đổ ra biển Tây, biển Đông đã chia cắt Cà Mau thành bán đảo.
Huyện Ngọc Hiển, cái tên gắn liền với người anh hùng Nguyễn Ngọc Hiển, người châm ngòi cho cuộc khởi nghĩa ở đảo Hòn Khoai (xã Đất Mũi, Cà Mau) vào năm 1940 vốn dĩ được tách ra từ chính huyện Năm Căn.
Với địa hình bán đảo, hệ thống sông ngòi dày đặc và sản vật thiên nhiên phong phú, huyện Ngọc Hiển vẫn là vùng đất hoang sơ, nơi chỉ có con đường giao thương, liên lạc duy nhất là chính những chiếc ghe, thuyền độc mộc cỡ nhỏ
Men theo những kênh rạch dẫn vào Đất Mũi, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy từng ngôi nhà nổi trên sông nước thậm chí hình thành từng ấp, khóm với việc người dân sinh hoạt, làm ăn đều diễn ra trên vùng nước này.
Những tấm biển hiệu đủ loại trưng ngay trước các cửa hàng bán đồ khô, cửa hàng vàng thậm chí có cả cây xăng được dựng ngay trên nền gỗ của nhà nổi nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của bà con nơi đây.
Vươn lên từ mũi đất xanh
Mất 52 km đường sông, chúng ta mới có thể đến được xã Đất Mũi, cực Nam đất nước. Đến Đất Mũi, chúng ta sẽ thấm thía câu "cây mắm đi trước, cây đước theo sau”. Những ngọn mắm từ bùn đất chui lên giữ đất, rồi tiếp sau là những rễ đước như hình mũi tên cắm sâu xuống bùn mọc lên thành cây, vây thành rừng.
Theo lời giới thiệu của nhân viên Thông tin quảng bá Du lịch tỉnh Cà Mau đảm nhiệm vai trò hướng dẫn viên khu du lịch này, cây tiên phong lấn biển đầu tiên vùng này là cây mắm. Loại cây này có rễ mọc ngược so với thân để hút khí.
Ngay cạnh đó, rễ cây đước mọc từ trên cắm xuống đất bám chặt lấy cây mắm. Hai loại rễ này hòa quyện vào nhau giống hệt như hai bàn tay đan xen, nhờ vậy, đất ở đây không bị sạt lở.
Đặt chân đến khu vực neo đậu của ghe, thuyền, nhiều người dễ dàng nhìn thấy hình ảnh một cột trụ cao, có tầm nhìn bao quát toàn bộ vùng Đất Mũi - đó chính là Đài quan sát.
Với độ cao 21 m, tượng trưng cho thế kể 21, Đài quan sát có 54 bậc thang tượng trưng cho 54 các dân tộc anh em. Bậc thang uốn lượn vòng vèo dọc theo thân trụ được làm theo biểu tượng của cây đước nhô lên cao rất giống như slogan du lịch tỉnh “Cà Mau-vươn lên từ mũi đất xanh”. Đứng tại chóp mũi Cà Mau này, chúng tôi cứ ngỡ như mình đang đứng trên mũi tàu khổng lồ của Tổ quốc chuẩn bị rẽ sóng ra khơi.
Cách đó không xa, du khách sẽ được ngắm biểu trưng của mũi Cà Mau với hình tượng một con tàu đang vươn ra biển. Trên tàu là lá cờ Tổ quốc tung bay trước gió. Đây là nơi duy nhất trên cả nước có thể nhìn thấy mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở phía biển Tây.
Tại xã Đất Mũi có Cột mốc quốc gia, là điểm mốc có ý nghĩa thiêng liêng, là điểm tận cùng cực Nam của Việt Nam (trên đất liền). Với mỗi người dân, ai ai cũng muốn một lần được đến mũi Cà Mau để chiêm ngưỡng, tham quan.
Với dân du lịch, Việt Nam có 4 cực bao gồm Cực Bắc là Cột Cờ Lũng Cũ (Hà Giang), Cực Tây là xã Apa Chải (Mường Nhé, Điện Biên), Cực Đông là ở Vạn Ninh (Khánh Hòa) và Cực Nam chính là Đất Mũi (Cà Mau). Nhiều người quan niệm, chỉ cần chinh phục được 4 điểm cực này thì chúng tỏ đã đi hết vòng quanh đất nước.
Ngồi bên biển, chúng ta được nghe giới thiệu những món đặc sản như: Cá thòi lòi nướng, hàu chấm mù tạt, cua gạch son, mực ống, tôm biển nướng… và những sản phẩm truyền thống như chiếu cói, đũa đước, mắm đồng.
Từ Đất Mũi nhìn xa xa ra biển là đảo Hòn Khoai, cách Đất Mũi 18 km. Bao quanh đảo Hòn Khoai là các đảo: Hòn Sao, Hòn Ðồi Mồi, Hòn Quy, Hòn Ðá Lẻ. Trên đảo Hòn Khoai có ngọn đèn biển cổ có kiến trúc khá hùng vĩ - chứng nhân của sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940. Ðảo là một thắng cảnh đẹp của Cà Mau với hệ thực vật đa dạng, có nhiều thảm rừng hoang bên các vườn cây ăn quả và dược liệu quý hiếm.
Nhằm phá thế “ốc đảo” của huyện Ngọc Hiển, một dự án xây dựng cây cầu Năm Căn vượt sông Cửa Lớn đã được thi công để có thể đi đường bộ từ huyện Năm Căn đến huyện Ngọc Hiển. Nhiều người hy vọng rằng, cây cầu chính là con đường đầu tiên và duy nhất giúp đẩy mạnh du lịch, giao thương thúc đẩy sự phát triển kinh tế của huyện này.
Từ xa ngoái lại, hình ảnh Đất Mũi thanh bình, hiên ngang đứng giữa sóng gió biển, những kênh rạch lấp lóa ánh chiều buông xen lẫn màu xanh mướt của rừng đước ngập mặn khiến những ai một lần đặt chân đến đây không khỏi xao xuyến, bồi hồi về mảnh đất linh thiêng của Tổ quốc.