Ngày cập nhật: 09:38:34 21/12/2015

Trong cái se lạnh của tiết trời và náo nức của lòng người, người dân Cà Mau lại chuẩn bị đón tết trong không khí rộn ràng, mong một năm mới thật sung túc.

       Ở Cà Mau, những ngày giáp tết, mọi người tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để chuẩn bị đón năm mới. Việc chăm sóc hoa kiểng, chưng tết được nhiều người quan tâm, bởi ngoài tô điểm vẻ đẹp ngày xuân, hoa kiểng còn đem đến may mắn trong năm. Mâm ngũ quả cũng được chuẩn bị công phu trong ngày tết. Ngũ quả thường là mãng cầu, thơm, dừa, đu đủ và xoài. Tên gọi ghép lại thể hiện ước muốn “cầu thơm vừa đủ xài”, đúng với tính cách thật thà, chất phát của người miền sông nước. Ngoài ra, có thể trang trí thêm một số quả: Cam, quýt, sung… tượng trưng cho sự may mắn và tốt lành trong năm mới.

       Ở vùng nông thôn, mọi người thường “vần công” nướng bánh bông lan, làm mứt, gói bánh tét…, những món từ bao đời nay đã làm nên hương vị của ngày tết cổ truyền. Tết là dịp sum vầy, đoàn tụ bên mâm cơm gia đình nên việc chuẩn bị thức ăn đối với các bà, các chị phải tươm tất. Nồi thịt kho tàu được chăm chút hơn cả, bởi có thể để ăn trong ba ngày tết, không chỉ ngon miệng với cơm mà còn được kết hợp với, bánh tét kèm với dưa chua... Đi cùng sự tiện lợi của các loại thực phẩm ngày tết phải kể đến tôm khô, mắm tép, các loại cá khô. Ở Cà Mau, khô khoai, khô mực, khô lóc, khô bổi… được ưa dùng.

      Bánh tét là món ăn không thể thiếu trên mâm cúng ông bà tổ tiên và thết đãi khách trong ba ngày tết. Bánh tét được gói và luộc khoảng đêm 30 tết, mọi người cùng canh lửa, chờ bánh chín trong sự nôn nao đón giao thừa. Từng vùng miền có cách gói bánh tét khác nhau, đối với Cà Mau, bánh tét thường có nhân chuối và nhân đậu cùng với thịt mỡ. Cách ăn bánh tét nhân đậu ở Cà Mau cũng mang nét riêng, khi được dùng kèm với tôm khô - đặc sản của miền đất cực Nam Tổ quốc.

 

THƯ VIỆN ẢNH