Ngày cập nhật: 16:58:45 25/12/2015

      Hơn 4 năm qua, những con lân, sư tử, rồng đủ màu sắc, cùng dàn trống đánh tưng bừng của Câu lạc bộ (CLB) lân - sư - rồng Nhà Thiếu nhi (NTN) tỉnh không chỉ hoàn thành “sứ mệnh” phục vụ các chương trình văn hoá, nghệ thuật của các địa phương vào mỗi dịp lễ, Tết, mà còn trở thành sân chơi lành mạnh cho rất nhiều thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời, qua đó góp phần bảo tồn, lưu giữ và phát huy nét văn hoá dân gian truyền thống.

          Là “con nhà tông” nên anh Nguyễn Chí Tâm, Chủ nhiệm CLB lân - sư - rồng NTN tỉnh dành không ít thời gian để học hỏi, nghiên cứu và sưu tầm các điệu múa, bài nhạc phối để phổ biến tới các thành viên trong CLB.  

        Anh tâm tình: “Theo cha “cầm đầu lân” từ nhỏ nên thành ra say mê. Mặc dù tôi không chọn làm nghề chính để lập nghiệp, nhưng vẫn luôn xem múa lân, sư, rồng như một “nợ duyên”. Trước khi thành lập CLB, tôi đã có khoảng thời gian dài lên xuống Sài Gòn - Cà Mau mỗi thứ Bảy, Chủ nhật chỉ để học, hiểu sâu và thể hiện nó một cách tốt nhất”.

          Chính hình dáng, điệu múa, hình thức múa lân, sư, rồng với tiết điệu rộn rã, sôi nổi đã cuốn hút và thúc giục anh thành lập CLB. Anh Tâm cho biết, CLB lân - sư - rồng được thành lập ngay cùng thời điểm với CLB võ cổ truyền và đều do anh đảm trách vai trò chủ nhiệm, bởi võ cổ truyền là nền tảng để múa tốt lân, sư, rồng.

         Khi thành lập, múa lân, sư, rồng còn khá mới đối với các em thiếu nhi, luyện tập nó càng không dễ, từ các bài võ cơ bản cho đến những kỹ thuật múa khó đều đòi hỏi phải có sự đam mê, kiên trì, cảm âm tốt và tập luyện thường xuyên. Do đó, CLB những ngày đầu chỉ 6 thành viên, hoạt động chủ yếu là phục vụ NTN tỉnh.

          Nỗ lực hết mình để vượt qua khó khăn, mặc dù kinh phí mua sắm trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và biểu diễn còn thiếu thốn, trong khi 90% thành viên đều có hoàn cảnh khó khăn, phải vừa học vừa làm nên hạn chế về thời gian tập, trong quá trình biểu diễn còn thiếu đội hình. Mong muốn lớn nhất của anh Tâm và Ban Chủ nhiệm là tìm được nhà tài trợ để CLB có điều kiện phát triển tốt hơn, phần nào hỗ trợ các em về đời sống, yên tâm học tập. Tuy vậy, CLB vẫn tồn tại và phát triển đến nay là nhờ mọi người xem nhau như một gia đình, luôn đoàn kết, gắn bó cùng nhau những lúc thăng trầm.

       Ðến nay, với 22 thành viên (lứa tuổi từ 10-17) và rất nhiều cuộc lưu diễn chương trình “Vì bạn nghèo” tại các huyện, tham gia nhiều chương trình như: “Hành trình đỏ”, “Búp Sen Hồng” do NTN tỉnh tổ chức, cả việc biểu diễn thuê cho các tổ chức, cá nhân của tỉnh trong dịp khai trương lễ hội, CLB đã giúp các thành viên có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, hằng năm, CLB đều đi cơ sở hỗ trợ miễn phí cho địa phương phát triển đội lân, góp phần đẩy mạnh phong trào văn hoá tại những nơi vùng sâu, vùng xa.

         “Ðều đặn mỗi tối thứ Hai, Tư, Sáu, Chủ nhật, các thành viên tập luyện, trao đổi kinh nghiệm cho sự thành công của mỗi đợt diễn tiếp. Tuỳ vào nội dung chương trình mà các điệu múa và cách đánh trống khác nhau, nhưng đòi hỏi phải có sự phối hợp ăn ý”, em Trần Ðăng (học sinh lớp 9, Trường THCS Võ Thị Sáu), thành viên “kỳ cựu” của CLB, chia sẻ.

          Ðăng cho biết thêm, CLB có duy nhất 1 bạn nữ gắn bó từ ngày thành lập. Sự nỗ lực của bạn trong từng thế võ, tấn pháp, cách thức di chuyển lân, sư, rồng đã trở thành động lực giúp các thành viên năng tập luyện.

          “Luyện võ, rèn đạo đức. Không đơn thuần là dạy múa lân, thầy Tâm còn giáo dục các bạn nhỏ tuổi về cách làm người như một người anh, người chú. Sự quan tâm, uốn nắn ấy giúp tất cả thành viên từng bước hoàn thiện bản thân, gắn bó CLB bền chặt hơn”, Ðăng bộc bạch.

         Cà Mau hiện chỉ có 3 nhóm hoạt động chuyên nghiệp, nhưng chủ yếu là các điệu múa dân gian: Ðội  lân - sư - rồng của phường 1, Hội người Hoa, cùng với CLB lân - sư - rồng của NTN tỉnh. So với mức độ duy trì và hiệu quả hoạt động thì CLB của NTN tỉnh bảo đảm hơn, vì hiện nay CLB của NTN có thể múa cả 3 hình thức lân, sư, rồng, đều thể hiện trên nền nhạc phối và trống (thay vì nhạc khí truyền thống như trước). Ðây chính là nét hiện đại để tồn tại và phát huy giá trị văn hoá truyền thống theo thời gian.

          Anh Tâm hy vọng, những nỗ lực của anh trong việc duy trì hoạt động của CLB sẽ góp phần bảo tồn và gìn giữ các điệu múa lân, sư, rồng; đồng thời chiêu mộ nhiều thành viên mới, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn, chịu khó học tập.

Băng Thanh - Báo Cà Mau

THƯ VIỆN ẢNH